Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Lời Trần Cuối Năm


“Mỗi khi đến hẹn lòng man mác… b... u.. ồ. n”
Mấy ngày cuối năm thật dễ thương. Nắng nhẹ, tiết trời se lạnh dễ chịu đến vô cùng, duy có điều sao lòng thấy trống trải quá.

Chẳng viết được gì, chẳng nhận được nào, chỉ nói được nhiều hơn, hihi… Dù trống vắng thế, vô duyên thế vẫn cứ thấy đời này đáng yêu!

Nhớ năm nào mình cũng có tâm trạng, được diễn giải như vầy:
Chiều cuối năm một mình và chai rượu
Ghét, thương cạn chén cùng thơ
Dẫu nỗi lòng chưa cập bến bờ
Vẫn cứ muốn xuân về trên tóc

Vần yêu xưa chưa một lần bật khóc
Mà sao nay đầy ắp những tự tình

Tự tình thôi nhá, chẳng thèm khóc đâu!

Nghe những câu này có người hỏi.
- Ủa, đang buồn hả?
Chẳng biết nói chi cho phải, nên đành phán đại:
- Đời có vui, có buồn, có mênh mang ngày Thủy Trúc… mà ai ơi!

Tóc mình ngắn nên xuân về chắc cũng sẽ nhẹ hơn mấy nàng tóc xoã dài bay theo gió ngoài kia. Mong sao chúng mọc nhanh chút nữa cho xuân này thắm tươi.
Ước muốn là điều luôn tốt, còn được hay không là chuyện của trời, sao tính được…

Cái hình ảnh dưới đây không nói lên được điều gì, chỉ là “Em ơi chín mươi năm cuộc đời” cho sắc màu tí tôi.
Xin chúc tất cả các người thân, các bạn tôi ơi Một Năm Mới đầy tốt đẹp.

31.12.2015



Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Những Điều Đơn Giản


Có những lúc chạnh lòng nghĩ về những điều rất xa xôi. Một chiều nào đó, một đêm nào đó trái tim mình trào dâng những điều thật lạ. Nó không hẳn là những điều vu vơ, không hẳn là những điều thật sự kích động, nó là những điều rất đỗi đời thường.

Những điều đời thường nằm trong một hoàn cảnh xao động có thể làm tâm hồn cứng rắn nhất cũng phải tan chảy. Dòng suối nào được hình thành từ những con lạch bé nhỏ ấy? Mưa chăng? Gió chăng?... Không. Nó là niềm tin yêu và tự hào không bao giờ thất lạc. Cha!

Cha không những cho ta một phần hình hài, còn cho ta cuộc sống và một định hướng cần thiết làm hành trang bước vào đời. Dù cuộc sống có như thế nào, bóng dáng của người cha thân yêu cũng luôn bên cạnh mình, động viên mình trong những lúc khó khăn.

Đã gần ba mươi năm xa cách, không còn nhận được những lời an ủi của người. Dù giờ đây mình cũng đã trở thành một người già như những người già khác, mình vẫn thấy chưa thật sự đủ trưởng thành để tự tin, nhiều lúc như một người trẻ trông chờ một điều huyền diệu từ cha. Mặt trời vẫn thức khi con ngủ và làm sáng một vầng trăng khi đêm về.

Ở một nơi phương trời xa lắm, trong một đêm mưa thật buồn, một mình với chính mình. Nhớ về cha. Mặt trăng trên cao tan biến vào những đụn mây, hoang vu và lạnh lẽo, nhưng đâu đấy trong trái tim một ngọn lửa bùng lên làm ấm cả cõi lòng. Có phải một niềm tin yêu của cha đang đến cùng con.

Những người đàn ông thường ít nói về nhau, càng không muốn nói về chính mình. Cha cũng thế. Hiếm khi nào con nghe cha kể về mình. Cha đã hi sinh cho con nhiều thứ. Cuộc đời cha đã lam lũ, một nắng hai sương mong cho những điều không thể thành có thể, có thể thành hiện thực cho những đứa con của mình. Với cha, không có gì hạnh phúc bằng con mình hạnh phúc, không giàu có nào bằng giàu có những người con.

Làm con trên đời này ắt hẳn sẽ có những lần không phải, những lần nông nổi làm cho trái tim cha thắt đau. Nhưng tình cảm của con luôn dành hết cho cha như cha đã từng dành hết cho con mình.

Đã từ lâu con cũng đã là người cha. Cha của những đứa con bé dại. Con lại thấy một trách nhiệm rất lớn của người cầm lái, đang phải chống chèo đưa con thuyền nhỏ chở đầy báu vật băng qua dòng sông nhiều ghềnh thác. Sức lực là điều giới hạn còn bão giông luôn là siêu nhiên huyền bí. Dù khó khăn thế nào, vượt qua tất cả để chiến thắng phải là cái kết nằm gọn trong tay mình.

Niềm tin của những người cha luôn là vậy. Chắc hẳn phải là vậy. Đó là những điều có thực và rất thực. Nó không hề là điều lãng mạn chấp chứa trong những ngôn từ. Bởi một lẽ rất đơn giản mà ai cũng biết : Cha và con là cha con...

Sài Gòn, đêm 22.10.2015 









Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Lần Đầu Tiên Đi Học


Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp (*)

Đấy là kí ức của Thanh Tịnh về ngày đầu đi học. Thật đẹp đẽ và nên thơ mà hàng triệu học trò Việt Nam luôn ghi nhớ vào hành trang thiên lí của mình.

Ngày đầu tiên đi học của tôi lại là một câu chuyện khác. Nó vừa mềm mại đáng yêu, vừa ngổn ngang những trăn trở và khắc nghiệt.

Hồi đó chừng hơn bảy tuổi. Không như bây giờ các em đã vào lớp hai, lớp ba. Chúng đã biết nhiều thứ, kể cả lên mạng, chơi game, xài máy tính bảng rào rào như một công dân trưởng thành thực thụ… Tôi còn rất đỗi ngây thơ và bé bỏng như những bạn bè cùng trang lứa khác. Một phần vì là trẻ em ở vùng quê xa cách biệt, một phần vì chiến tranh giằng xé đã đánh cắp những điều mà đáng ra chúng tôi phải có.

Tôi đi học!

Gần nhà cậu có một ngôi trường nhỏ dạy cho mấy anh chị lớn. Một lần được cha đưa về thăm ngoại, tôi mon men ra trường chơi. Thấy các anh chị học hành vui vẻ làm tôi thích thú vô cùng. Tôi say mê đến nỗi bám luôn lên thành cửa sổ để xem mà không chịu về. Mãi tới gần trưa, cha không thấy tôi đâu, ông tất tả đi tìm. Không ngờ rằng thằng con trai yêu quý của mình đang cố bu trên mảng tường thủng lỗ chỗ, nhìn qua kẽ trống há mồm học ké.

Dắt con quay lại nhà ngoại. Trên đường đi tôi linh cảm, hình như trong ông đang có những suy nghĩ đôi co nào đó mà tuổi nhỏ như tôi không thể nào đoán được.

Hôm sau tôi một mực đòi cha cho đi học. Cha giảng giải mãi: Nào là con còn nhỏ, nào là đường quá xa và nơi làng mình chưa có lớp cho tuổi con… Nào là đủ thứ lí do khác nữa mà thực tình tôi cũng đã quên mất nhiều.


Tôi bất kể những điều cha nói, tôi chỉ biết là tôi thích học, tôi quyết đến trường. Với bộ đồ cũ có sẵn trên người, tôi vụt chạy như bay ra khỏi cổng mà không cần biết phải làm gì nơi mình sẽ đến. Cha thấy và chạy theo cố gắng níu chân tôi lại. Tôi vùng vằng thật dữ, cố tình thoát ra khỏi bàn tay cứng chắc của cha bằng đủ các kiểu cào cấu và la hét. Hôm đó tôi được ăn một trận đòn no nê và kinh hãi nhất trong cuộc đời mình vì tội bất tuân thượng lệnh. Có lẽ cha thấy không thể nào lay chuyển ý chí tôi được, ông dắt tôi vào nhà ngoại cho tắm rửa, chuẩn bị lại áo quần tươm tất, lau những giọt nước mắt đang chảy dài trên đôi gò má bẩn thỉu đầy bụi đất. Sau một hồi nài nỉ, ngon ngọt, vỗ về, cha đành phải dắt tôi đến trường.

Người thầy dạy hôm ấy là một người quen của cha. Cha xin thầy cho tôi ngồi ké lớp - thể như được dự nghe, được làm quen và được khỏi phải dáo da, dáo dác dòm ngó nơi xó xỉnh một mình. Có lẽ thầy đã thương tình và đặt cách cho trường hợp đặc biệt của tôi.

Sau ba tháng trôi qua đều đặn, dù không gặt hái được mấy chữ cho nên hồn, cha vẫn còn thấy ở tôi niềm say mê không thể nào tước bỏ. Ông bắt đầu tự tin tìm phương sách cho tôi toại nguyện.

Ngôi trường đầu tiên theo đúng nghĩa là một trường làng, mái lợp tranh tre, vách đất, cách nhà hơn bảy cây số. May mắn tôi có người cô, em ruột cha nhà gần đó. Thế là tôi được thỏa mộng đến trường.
Lần đầu tiên của tôi đi học đúng là vậy. Thật buồn và tê tái.

Những kỷ niệm của thời học trò không thể nào phai nhạt, dù tháng năm dài cứ trôi qua và mất đi như những chiếc lá trên dòng sông chảy xiết.

Người thầy khai trí cho tôi là một cô giáo già, nhiều nghiêm khắc và hai người con của cô phụ giúp. Những con chữ, những nét bút lung linh được hình thành từ ấy. Tâm hồn khờ dại, trống rỗng của tôi cũng bắt đầu phát lộ, nảy ra những mầm mơ xanh mướt.

Không phải như bây giờ, trường học ở đâu cũng có, cũng khang trang và nhiều đến từng thôn ấp xa xôi. Trường tôi học là một trường quê tư thục, dạy từ vỡ lòng (bắt đầu học chữ) đến hết lớp hai. Ba năm trôi qua, ba năm chăm chỉ học hành, ba năm tận tụy dạy dỗ của cô, tôi đã là một học trò ngoan, giỏi. Bạn bè tôi hay đùa rằng nhờ tôi to đầu, học trễ những hai mùa, chứ thật tình tôi dốt đặt chứ chẳng giỏi giang gì cho lắm. Tôi thì luôn ậm ừ, gật gật. Cũng có thể thế mà!

Cuộc đời đối với tôi là một chuỗi dài những thành công và đổ vỡ, những định hướng đúng và sai, những tội lỗi và ăn năn tiếp nối. Nhưng việc cả gan chống đối cả cha mình để được đi học có lẽ là cái quyết định đúng đắn nhất mà tôi từng có.

Ngày nay, mỗi lần đâu đó vang lên bài hát:

Ngày đầu tiên đi học
Mẹ dắt tay đến trường
Em vừa đi vừa khóc
Mẹ dỗ dành yêu thương (**) 

Tôi lại thấy trong lòng lân lân một cách kì lạ, như vừa bước ra từ tuổi thơ nóng hổi của mình.

Bây giờ, khi đã trưởng thành và đủ trí khôn, tôi không còn giận cha nữa. Tôi đã biết rõ lí do vì sao tôi không được học sớm, vì sao tôi bị đòn oan, và vì sao tôi biết ơn cha nhiều lần đến như vậy.

Năm nào cũng thế, cứ vào độ sắp đông, dù trên trời có còn những đám mây bàng bạc hay không, tiết trời có làm ra những buổi mai nhiều sương thu và gió lạnh hay không, tôi vẫn luôn nhớ những ngày đầu cắp sách của mình. Tôi vẫn luôn nhớ người cô giáo già đầy nhiệt huyết - người thầy chuẩn mực đầu tiên đã chăn dắt tôi nên người.

Mỗi hai mươi tháng mười một hàng năm, tôi thường quay về với khoảng trời riêng tôi thuở ấy, với một nỗi niềm thương yêu vô bờ bến. Nơi có người thầy đáng kính, có ngôi trường mái lá đơn sơ và những khởi đầu đẹp đẽ nhưng cũng vô vàn gian khó kèm theo.

Mặt trời đỏ au khi đã ngã về chiều
Nắng cố vàng hơn cuối cùng ngày sắp tắt
Con hướng về nơi khởi đầu, ngửa mặt
Cám ơn Người chắp cánh thuở bay xa

Tháng 11, ngày 20 tâm kính một nhành hoa… Cho những tháng ngày không thể nào mai một.

Sài Gòn, ngày 05.11.2015

(*): Truyện ngắn Tôi Đi Học - Thanh Tịnh
(**): Lời bài hát Ngày Đầu Tiên Đi Học - Nguyễn Ngọc Thiện





Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Mùa Của Riêng Mình


Mãi miết bước đi trên con đường đời dài dằng dặc. Băng qua bao núi đồi, sông sâu, qua gai nhọn, đá mềm, qua những cánh đồng mướt mát, những miền biển xanh trong đầy nắng và gió... Một ngày nào đó ta cũng đến và dừng bước tại nơi vườn yêu. 

Vườn yêu của mỗi người mỗi khác. Có khi là bồng bềnh, ngọt lịm. Có khi là khô cằn, úa lá. Có khi trù mật và cũng có khi nghèo nàn, hoang sơ. Người ta luôn phải chấp nhận những gì mình có ở đó dù muốn hay không. 

Ngày lại qua ngày, mùa nối mùa, năm nối năm. Thời gian trôi đi biền biệt. Đứng tại nơi mình đang đứng nhìn về phía xa xăm không thể nào quên, bất chợt ta bắt gặp những thân thương tràn về. 

Thấp thoáng nơi ấy có chiếc lá vàng dở dang, có bậu cửa xám rêu, có những khuôn mặt của ngày nào phảng phất. Ở đó có những chiều lam, những bóng mờ sương khói, những hồn nhiên và cả dại khờ... Có hẹn hò, khát khao, cháy bỏng, bâng khuâng... 

Nơi ấy có những người thân, người bạn, những dòng sông mênh mông tắm gội cả một thời thanh xuân đậm đặc chất thơ, những cánh cò và con diều vút bay. Không đâu đẹp bằng tuổi trẻ của mỗi người. 

Một chuyến quay về nơi vườn yêu tuổi xưa như quay về mùa thương của chính riêng mình. Chắc hẳn mỗi ta sẽ nhặt nhạnh được nhiều kỷ vật vô giá của một thời đã mất. 

Mùa của tôi chỉ như một ngổn ngang của thu sau mưa, những rộn ràng của hạ vàng nhạt nắng, với tóc bím thôi bay, với dùng dằng nơi cuối ngõ, có nón lá nghiêng che và bao điều thầm nhớ.








Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Mùa Mưa Cũ


Tháng chín đã qua. Một tháng chín với nhiều cơn mưa dai dẳng và ào ạt, thành phố có những nơi ngập sâu trong nước. Thật sự là điều bất tiện và không thú vị cho bao người.

Sống ở thành phố này hai mươi năm, tôi lại luôn muốn đắm chìm trong những cơn mưa nhỏ, hắt hiu dài hàng giờ mà không phải là đặc trưng của miền đất phương Nam này. Nơi được ca ngợi là Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng.

Ngồi trong quán café vắng, bao quanh mình là những cơn mưa rả rích. Một chút se lạnh len lỏi trên mặt da, một làn hương thơm nồng phảng phất, một vị đắng ngọt chảy tan nơi đầu lưỡi. Với nhiều người là niềm vui, niềm đam mê vô tận không thể nào bỏ được. Với tôi lại là nơi trắc nghiệm, phán xét cho những điều đã trải qua trong cuộc sống của chính mình.

Tôi không ghiền café lắm, cũng như không ghiền nhiều thứ khác mà thường gọi là các món " khoái " của cánh đàn ông như rượu bia, bài bạc... Nhưng tôi lại thích cái mềm mại, lung linh, trật tự, ẩn chứa phía sau mà café mang lại. Sâu lắng, hoài cổ, miên man theo kỉ niệm buồn vui. Những thứ mà thường bị lãng quên theo năm tháng, theo những cuộc mưu sinh không chấm dứt của đời người.

Hình như càng về già, con người ta càng ghét hiện thực hơn nhiều. Cái hiện thực được góp nhặt, lưu trữ theo từng bước chân qua, khô cằn và rách vỡ. Càng về già não bộ càng thoái hoá, trái tim cũng mệt mỏi thêm lên. Con người muốn quay về ẩn dật nơi cội nguồn mênh mông, sâu thẳm và bơi lội trong cái thuở ban mai nhiều tĩnh lặng, tràn ngập hồn nhiên.

Ngồi một mình cùng tách café nóng thơm trong căn phòng đơn sơ nhưng ấm cúng. Ngoài kia bầu trời đang buồn bã, giận hờn, lang thang nhiều đám mây đen mỏng, rộng. Những hạt nước li ti bay bay theo gió hắt vào khung cửa, chảy loằng ngoằng trên mặt kính bụi mờ như những giọt buồn thời gian. Trong tôi một mùa mưa cũ cũng hiện về lấp loáng đâu đó, làm ướt nhẹp lên tâm hồn có đôi chút không vui...

Những mong trên tay đoá hồng nắm chặt
Nẻo đường nào ghi dấu bước chân đi
Mai mốt xa nhau còn sót lại được gì
Có phải là yêu nhuốm vàng màu hoa cúc?

Sài Gòn ngày 30.09.2015





Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Có Một Mùa Xuân Nơi Phía Trước


Thằng Nhẫn từ Dalat sương mù xuống, bước vào nhà mang theo cái bản mặt gian nan thời bao cấp. Thấy vậy, Nại nhe hàm răng khểnh ra tếu táo bắt tay hắn, cười toe toét làm hên.
- Chú mày xuống thăm tao hay có chuyện gì mà hình như trời không đẹp mấy?
Nhẫn vừa ngồi xuống ghế, vừa liếc mắt qua vợ Nại đang bên bàn vi tính như thăm dò, rồi nói.
- Mình xuống Sài Gòn có tí chuyện, sẵn ghé thăm vợ chồng mi, lâu quá mà.
Giọng hắn rất thân tình và dễ mến làm cho Nại có cảm giác nhẹ nhõm hơn. Từ nãy tới giờ, Lịch - vợ Nại mới quay qua chào xã giao bằng vài câu nhát gừng rồi cắm cúi xuống bàn phím tiếp tục gõ gõ những tiếng kêu khô khốc.

Thấy không khí có vẻ trầm lắng, Nại hắn giọng:
- Bây giờ mình ra café đi em.
Lịch lấy lí do bận nên từ chối và cuối cùng chỉ có Nại và Nhẫn. Đi được mấy bước, Nhẫn đề nghị:
- Thôi café, tau ( tao ) mới uống lúc xuống xe, hẹn dịp khác, bọn mình ghé cái xó nào đó làm vài ve đổi tông cho thắm màu nhan sắc.
Đoán Nhẫn có vấn đề riêng tư gì đây, Nại kéo Nhẫn bước vào quán" Có Một Mùa Xuân Nơi Phía Trước” chọn cái bàn ở góc khuất, yên tĩnh nhất.

Sau vài ly khơi mào, giờ Nhẫn bắt đầu câu chuyện bằng thứ tiếng lai Quảng nửa vui, nửa buồn đặc trưng của hắn.
- Thực ra tau buồn quá mi ơi, giờ tau và Lãm - vợ tau như dùi với mõ, nên tau cố tắt tiếng cả năm nay, mặc bà ấy muốn làm gì thì làm. Tau dành cho bả cả một khung trời riêng biệt, không hề chiếm lấy một phút giây nào cả.
- Sao thế bạn, bà ấy đã sao nào? Nại gạn.
- Tau đi làm theo ca, giờ tuổi cũng đã cao nên nhiều khi thấy mệt mỏi quá. Còn Lãm thì ở nhà như mi biết đấy. Nhưng giờ bà nghiện mạng ghê quá, suốt ngày cứ cắm mặt vào cái màn hình, lúc máy tính, lúc điện thoại... làm tau chịu hết nỗi.
- Nhưng bà ấy lên mạng thì tốt chứ có sao đâu. Giờ người ta toàn học trên mạng không à, nghe đâu mỗi ngày có hơn 1 tỷ người leo face tán gẫu cơ đấy.
- Biết, tau biết. Ngoài người ta, có cả tau nữa đều lên mạng cả, nhưng lên mạng khi nào và làm gì mới là điều quan trọng. Đằng này bả lập một trang web mang cái tên" Bạn Bè Đâu Mấy Đứa " gì đấy. Thế rồi kêu réo, chờ người ta gửi bài, đọc bài, chọn bài, sửa bài, làm hình flash, post bài lên trang... v.v và v.v... Trực máy coi người ta viết comment như thế nào, gọi tới, gọi lui, chát đến, chát về, viết phản hồi cho người ta nữa ... tau thấy nhứt cả mắt. Giờ thành cái nghề mất mi ơi. Bả sẵn sàng bỏ việc nhà, thức khuya, dậy sớm vì nó chứ không vì gia đình hay bản thân. Đau mày hỉ!

- Sao vợ mày giống vợ tao dữ vậy.
- Ủa, Lịch cũng thế à?
- Vợ mình còn đẳng cấp hơn vợ bạn nhiều. Ngoài cái trang wordpress" Tình Yêu Và Sự Ngu Xuẩn", còn lập cả facebook, zalo, blogspost... Nếu lập vậy mà để học hỏi mở mang kiến thức, tập tành viết văn hay làm thơ cho có văn hoá, văn nghệ, thư giản như người ta thì tao mừng biết mấy. Đằng này tao thấy càng ngày bả càng bơ ra, cộc cằn, bỏ bê mọi thứ mới chết chứ.
Nhẫn cầm ly bia đưa lên cụng vào ly Nại đánh cốp, rồi nghiêng nốc một hơi dài cạn trơn. Hắn dập dập cái ly xuống mặt bàn gỗ tạp nghe lạch cạch đến ớn lạnh sống lưng.
- Hèn chi, lúc tau vào là lúc nàng đang chinh chiến chứ gì?
- Đâu phải riêng mày, những người bạn khác, cả người thân của tao đến nhà, bả cũng thế. Có khi bả ở hẳn trên lầu không thèm xuống chào một cái, coi như chút tình mọn còn sót nơi đáy óc, hoặc chỉ giả lả vài câu xã giao rồi bắt đầu nhập mạng, như khoe với người ta rằng: Lịch này là vậy đấy, biết chơi vi tính nè, biết lướt web nè, chứ không phải cù lần như quí vị đâu. Nhưng lại quên rằng người ta nhìn mình với con mắt khác, coi mình như kiểu người thiếu lịch sự, lố bịch... Mỗi lần như thế tao xấu hổ muốn độn thổ luôn. Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Hồi còn nhỏ tao đã nghe người lớn dạy vậy, giờ ứng vô cái nghiệp của vợ tao, sao tao thấy nó giống quá. Không làm mai, không lãnh nợ, không gác cu, không cầm chầu thì còn gọi là gì mới đúng tên, hả mày? Nại nói nghe buồn thấu ruột, rồi bỗng nhiên nó cao hứng gắt gỏng.
- Với tao, kể cả kẻ thù bước vào nhà, tao cũng tiếp đón nồng hậu, coi họ như bình thường, hoặc giả là người từ hành tinh khác đến cũng được chớ, có chi phải ngại và đến khi họ chết coi như xong, chết là hết mà. Có phải làm như Lịch mà đem lại điều tốt đẹp gì đâu. Bạn bè mạng ngày nay có mấy đứa thủy chung, chúng lợi dụng mình mang đến lợi ích rồi coi bạn như cái thằng vừa gặp đầu đường. Nại than thở.
- Tao giận quá nói thế, chứ thượng vàng hạ cám có đủ. Như mày là một trong những thằng tuyệt đỉnh nhất mà tao từng biết. Phải chọn bạn, chọn thứ mà chơi chứ.

Nhả một hơi thuốc dài, những mảng khói bay ngoằn ngoèo lơ đãng trong không khí theo những hình thù kì dị. Nhẫn nhìn vô định vào một nơi xa xăm, đôi môi thấm bia vừa đủ mềm. Hắn gật gù.
- Vợ tau có lẽ là người vợ kì quái nhất trên đời. Hình như bả chỉ biết có mình, gia đình mình, bả cai quản tau đến nghẹt thở. Mà có phải tau vô lương gì đâu cơ chứ. Tau coi vợ, phía vợ bằng trời là khác. Mi thấy tau nói có gì quá đáng không?
- Ừ, ngày xưa tao và mọi người hay khen mày sống đẹp với phía vợ mà. Thằng rể nghèo nhưng không xấu nết.
- Đúng, tau đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng hiện có, chứ ngoài khả năng nói chi. Nhưng vợ tau chẳng hiểu gì cho tau cả. Bả đã biến tau thành kẻ đối đầu, tau có bao giờ muốn thế đâu. Mày nghĩ tau bỏ quê lên đấy để làm trò hề vậy à. Hồi còn ở thị trấn nghèo gia đình tau đâu đến nỗi mạt, đôi vợ chồng công chức đủ xài, nhà cửa ổn định đấy chứ. Nhưng tau nghĩ đến tương lai vợ và con sau này. Tao muốn con cháu tau phải có môi trường sống tốt và sung sướng hơn tau bây giờ.
- Nghe nhà vợ mầy đông lắm hả?
Như gãi phải chỗ ngứa. Hắn thốt ra tràng dài.
- Đâu có phải đông là lắm chuyện. Cơ bản là chỗ nào có từ hai phụ nữ trở lên là chỗ đó thành chợ, chợ chứ không phải siêu thị. Nó khẳng định như đinh đóng cột. Chắc là nó hận lắm mới nói vậy thôi, chứ ngày xưa nó yêu phụ nữ nhiều hơn ai hết. Nại thầm nghĩ.
- Mọi điều rắc rối là chỗ ấy. Tau ghét cái thứ phụ nữ lắm điều, hay chọc ngoáy vào nhà người khác... Hắn mỉa nghe mà chua. Chau chau cái đuôi mày cong, rồi tiếp cái ý bỏ lỡ lúc đầu.
- Tau thương vợ hơn thương cả tau, gia đình vợ hơn gia đình tau. Tau quí những gì bả có. Bạn bè bả đến nhà dù là ai, biết hay không biết tau cũng tiếp đón như thượng khách. Tau nghĩ bạn bả cũng như bạn mình, phải xử tốt mới được. Còn tau, dễ mấy khi tau dám rước bạn hay người thân về nhà, nếu không muốn đời là bể khổ. Đã có những lần tau nếm mùi xấu hổ rồi còn gì. Hì… Hắn xìu xuống như lớp xe cán phải đinh trong ngày lễ tình nhân.

- Thôi mày. Tao với mày cùng cảnh ngộ. Kể hết người ta nghĩ mình hư hỏng, không rộng lượng, chả hay ho gì. Nại nói.
- Ừ, tau cũng nghĩ rứa. Với mi tau mới nói cho vơi bớt nỗi sầu, để trong người nó uất ức làm sao ấy. Mày cứ tin, Nhẫn này chưa bao giờ mang chuyện gia đình ra khỏi cửa. Với mẹ, với anh chị tau cũng thế, chả đời. Tau chẳng dại gì kéo họ vào để mang tiếng bầy đàn, từ này chắc mi hiểu, tệ lắm. Mi là kẻ duy nhất tau tin, tau thưa. Hỡi thằng bạn nối khố từ ngày còn để chỏm của tau.

- Còn người tình cũ của tao ư. ( Nại nói về vợ mình, rồi tự nhiên nó mắc cười phá lên khanh khách, phì cả bia ra ngoài ) Thuở đời, ở thế kỉ 21 rồi mà cứ như thời Hải Thượng Lãng Ông hái cây rừng làm thuốc. Mắc bệnh gì cũng nghĩ tới trúng gió, cạo đến tơi cả da. Ai nói gì cũng nghe, chuộng ba thứ lá cây trời đánh, mấy thứ viên chưa kiểm định. Hết bịnh đâu không thấy chỉ thấy suýt chết vì nó. Một phần vì biếng nhác, một phần lo ôm mấy cái trang web khốn khổ đó không chịu rời. Tao nói mãi mà có nghe đâu. Thử hỏi, có phải khôn nhà dại chợ không nào. Lướt web để làm chi, sao không học điều hay trên đó.
Nại đổ đầy bia ra cốc.
- Ở Đức người ta trọng nhau bằng thứ bọt này, còn tao với mày quí nhau bằng sự chân tình và chia sẻ, hãy cạn ly này mong cho đời thơm mày ạ. Đoạn nó đưa ly trút đầy vào trong cuống họng, đánh ực một tiếng nghe rõ ngon. Hít hà xong, nó lảm nhảm một đoạn bài hát của Y Vân mà nó thích từ thời học trò nhiều mơ mộng.
- Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời, hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu, hai mươi năm sau sầu vương cao vời vợi, hai mươi năm cuối là bao.... chữ "là bao " sau cùng nó kéo rê, phập phồng lên xuống như sợi rau muống luộc còn dai nhách, dính trong kẽ răng, thiệt tội nghiệp.

- Mẹ kiếp! Thằng Nhẫn nãy giờ im lặng nghe, tự dưng cộc cằn, nổi máu triết lí.
- Mày nhớ, ngày xưa hai nàng của mình đâu có vậy. Cả hai đều là người đẹp thanh cao, đáng yêu biết bao. Cái thế giới phẳng bây giờ dễ hội nhập nhưng phức tạp khôn lường. Nó đặt mỗi con người ta vào một vùng đất khác - vùng đất lạnh căm và cô độc, mỗi thành viên trong gia đình là một ốc đảo hoang vu. Internet nhấn chìm con người vào cái hố sâu thăm thẳm của ngôn từ và thành tựu, nhưng bước ra có khi chỉ còn là một thây ma không hơn không kém. Phải cố giữ mi ạ. Đừng lãng phí vào những chuyện không đâu. Phải biết lợi dụng internet vào nhu cầu thiết thực và lợi ích nhất, đừng để nó làm băng hoại tâm hồn mình, mày nhé.

Ly bia cuối cùng cũng cạn. Hai thằng bạn cầm tay nhau thật chặt như muốn nói điều gì mà chưa thể. Cả hai cùng bước ra ngoài. Mặt trời đang rót những tia nắng yếu ớt lên mấy nhánh hoàng lan nơi cổng quán. Bỗng thằng Nhẫn khựng lại, cái hồn thi sỹ của nó trỗi lên.
- Nại à. Buổi chiều tà là thời điểm đẹp nhất trong ngày, mi có thấy thế không?
- Ừ, có. Văn chương cũng hay viết thế, nhưng hoàng hôn của đời người không giống vậy, mày nhỉ. Ước chi...
Cả hai thằng bạn sắp già chếnh choáng cùng bao suy nghĩ của riêng mình với một chút men bia cay cay nơi đầu lưỡi.
Dưới con đường lót gạch láng bóng, màu nắng vẫn dịu dàng theo từng bước chân xa...

Sài Gòn 04.09.2015










Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Mẹ Và Tuổi Thơ Tôi


Có người rủ tôi quay về thăm lại tuổi thơ. Tôi chẳng hiểu bây giờ về nơi ấy để làm gì, nên bèn nói: Nếu được cùng bạn trở về cái thuở xa rồi, thì mình chỉ biết mỗi việc ngồi ngắm trăng hay bắn bi như hồi còn nhỏ. Nghe xong bạn tôi phì cười, giả như tôi vừa từ trên trời rơi xuống!

Bẵng đi mấy hôm mới phát hiện ra rằng, ở đó tôi có nhiều thứ để nhớ và chiêm nghiệm lắm. Đặc biệt, tôi có người mẹ kính yêu của tôi.

Mẹ không sánh bằng những bà mẹ khác cùng trang lứa ở trên phố tỉnh. Mẹ không đẹp, ắt hẳn là chưa bao giờ giàu. Nhưng mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất của tôi trên cõi đời này.

Hồi lên năm tôi bị bệnh thương hàn. Thời đó ở quê mình còn lạc hậu, nghèo nàn, thương hàn đã cướp đi rất nhiều phần số. Mẹ đã ở bên và chăm sóc suốt ngày đêm, bón từng miếng nước, muỗng cháo, các thứ thuốc đắng chát vào cái miệng nho nhỏ, nóng hừng hực và bỏng rát của tôi. Nhờ thế mà tôi qua cơn bạo bệnh. Ngày tôi khỏe hẳn mẹ rất vui như nhận được món quà quý giá từ cõi vô biên, dù đó cũng là lúc mẹ quỵ xuống vì kiệt sức.

Chiến tranh ác liệt đi dài theo những tháng năm sau cuối của thập niên 60, quét lên nhiều vùng quê cằn cỗi Trung phần. Tôi theo cha trốn chạy. Vượt qua những trận càn, những thảm đại bác, những lần mưa bom, qua tiếng đạn réo tưởng chừng như đang trong một cơn hủy diệt.

Những ngày vắng cha, mẹ đảm đương tất cả, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn nhất mà thường chỉ có cánh đàn ông gánh vác.

Ngày im tiếng súng cha dắt tôi ngược về nơi thân yêu của mình, với vết thương ở trán mà đến khi ông mất mảnh bom vẫn còn nằm sâu dưới lớp da cháy nắng đến khô sờn, queo quắt của ông. Ngày ấy mẹ đã khóc hết nước mắt. Mẹ khóc không phải mẹ đã chịu khổ cực, mất mát mà vì mẹ sung sướng còn có dịp nhìn thấy cha và tôi.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972 huyện quê mình được giải phóng, tôi không thể tiếp tục nhiệm vụ trò ngoan ở ngôi trường đổ nát và thiếu thầy cô. Mẹ một mực, khăng khăng đòi cha phải kiếm đường cho tôi học. Mẹ đã mang phần lớn tài sản dành dụm được trong đời bà, gói ghém cẩn thận đưa cho cha và nói: Hãy làm tất cả những gì có thể cho nó. Đêm hôm ấy thấy cha suy nghĩ rất lung và sáng sau ông đi tìm một người dắt tôi ra Đà Nẵng thuê tàu cho tôi vào Qui Nhơn nương nhờ nhà người thân. Ba năm cấp 2 của tôi may mắn có được là vậy đấy.

Trước ngày giải phóng Qui Nhơn, mẹ lại một phen khóc suốt. Bà nghe quân giải phóng đã đánh chiếm được nhiều căn cứ của quân đội Sài Gòn trên Tây Nguyên và sắp tràn xuống duyên hải. Thế là bà cho 2 chị dắt tôi lánh vào Đá Bạc - Cam Ranh để tránh nguy cơ súng đạn.

Sau đó không lâu, Qui Nhơn thất thủ với bao nhiêu sinh mạng mà sau này tôi nghe kể lại, là nằm ngổn ngang khắp bãi biển cùng với phương tiện chiến tranh cả trên bờ lẫn dưới nước.

Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi quay về với mẹ và tiếp tục con đường mà mẹ đã dọn sẵn: Học!

Tôi đã cố gắng và cố gắng rất nhiều ở tuổi học trò và đã không phụ lòng mẹ mong.

Giờ đây ở tuổi 94. Qua bao thăng trầm, gian lao vì con, qua mấy lần tai nạn do tuổi già, mẹ lại nằm một chỗ trên cái giường của chính mình ngày xưa, như một định mệnh của đời người: Sinh, lão, bệnh... và có lẽ chỉ còn mỗi bước cuối cùng mẹ đang đấu tranh vì nó.

Trong cái thân hình tiều tụy, bất động, tinh thần không còn minh mẫn, mẹ vẫn gắng gượng nở nụ cười héo úa, cầm tay tôi lắc lắc mỗi khi tôi về thăm bà gần đây. Mấy tiếng thì thầm, rạn vỡ, nhoè nhoẹt như vọng ra từ cổ tích xa xăm: Con đấy à! Vợ con và sắp nhỏ có khỏe không? Gia đình có hạnh phúc không? Khi về hãy nói với chúng rằng mẹ và bà rất nhớ...

Mấy ngày sau xách ba lô từ biệt, trở về mái ấm của mình nơi Sài Gòn hoa lệ, trong đôi mắt mẹ hiện lên cả một miền mênh mông buồn, như muốn nhắn nhủ với tôi rằng: Hãy cố gắng sống tốt, khỏe, vui như mẹ từng ao ước.

Người ta nói: Mẹ là dòng suối dịu hiền, là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là ánh đuốc trong đêm lạc lối... là lọn mía ngọt ngào, là nải chuối, buồng cau, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...(*)

Còn với tôi, các bạn biết không. Mẹ là tất cả!

(*): Đoản văn: Thích Nhất Hạnh. Phổ nhạc: Phạm Thế Mỹ

Sài Gòn: Ngày 28 tháng 08 năm 2015





Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Hãy Về Cùng Anh

Anh đưa em về Bình Định quê anh
Nghe kí ức tình yêu của mẹ
Dưới vườn dừa xanh một thời xuân trẻ
Cắt lọn tóc thề - tất cả cho con

Nước sẽ kể về cha
Một tấc đất cũng vun thành khoai, lúa
Cánh đồng cằn, mồ hôi chảy
Nở hoa

Anh đưa em về Bình Định quê anh
Thăm xứ sở của Quang Trung Hoàng Đế
Của Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu...
Hào kiệt và thi ca 

Thăm lại chiến trường xưa
Những tháp cổ trăm năm ru mình in bóng
Hoài niệm một thời
Nuôi ước vọng mai sau

Em hãy về Bình Định quê anh
Lên đồi gió nghe rừng phi lao hát
Ngày rám nắng và đắm mình trong Biển Đông dào dạt
Đêm nằm nghe khát vọng vỗ bờ

Em hãy về Bình Định quê anh
Dù không sánh cùng Huế, Sài Gòn, Hà Nội
Dù không Sông Hồng, Sông Hương hay Cửu Long quần hội
Nhưng sẽ có một lần em thấy
Tình đẹp như mơ!

14.09.2011 
  

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Đơn Giản Là Cha- Con


"Công cha như núi Thái Sơn"
Lời răn dạy thuộc lòng từ bé
Sau mẹ và cha, hạt mầm son trẻ
Thành tôi. Tôi thực sự làm người

Kể từ phút chia ly cha về bên ấy
Dòng đời có khi bằng phẳng, nhiều lúc chông chênh
Cha vẫn là ngọn hải đăng
Cho thuyền con không bao giờ lạc bến

Mặt trời vẫn thức khi con ngủ
Và lặng thầm làm sáng vầng trăng khi đêm về
Cha cho tia nắng làm xanh màu lá
Cùng ánh nguyệt hằng rộng mở một hồn thơ

Đêm nay bầu trời Sài Gòn heo heo lạnh
Nhiều hạt mưa bụi giăng mây
Vầng trăng trên cao cũng mất
Bên trong con vẫn hiện hữu trái tim nóng rực biết yêu

Đây là lần đầu tiên con viết về cha
Như ngày xưa chẳng mấy lần nghe kể về ông vậy
Những người đàn ông thường ít nói về nhau
Mà luôn giữ nghĩa tình sâu đậm

Con không thể cưỡng nỗi bao dòng suy nghĩ
Đang dâng trào từ nhịp đập tâm hồn
Con muốn viết rất nhiều, nhiều lần hơn thế nữa
Nhưng cuối cùng lại quyết định thôi

Vì con biết rằng
Cha đã hiểu con rồi
Bởi một lẽ rất đơn giản
Cha và con là cha con! 
 
23.06.2011


Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Gió Qua Tuổi Đời


Tự mình vẽ chút son trôi
Một đuôi mày lệch, một môi mỉm cười
Tay cầm mấy đóa hoa tươi
Thổi hàng nến tắt tuổi lười cuốn theo
Cuối năm mươi vẫn tình nghèo
Vẫn chờ, vã̃n đợi, vẫn gieo neo tìm
....
Mãi còn đây gió đồi sim
Tím bay xõa tóc lá bìm giăng xanh
Chia đôi nửa khúc đường quanh
Chân thầm lặng bước lữ hành xuân xa...

24.05.2015 




Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Vết Son Mùa Mới


Còn lại gì chút tình xa
Thì thôi đứng lại người ta đẹp lòng
Còn lại gì những chờ mong
Ầu ơ khúc hát tự trong tim mình
Loay hoay tìm buổi chiều xinh
Để tay vẽ bức chân tình ngày xưa
Ngồi buồn hứng sợi nước mưa
Hạt tròn, hạt vỡ, hạt chưa vẹn toàn
Trở về sửa khối buồn con
Mong sau mùa mới vết son thắm màu...

22.05.2015


Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Xuân Ước


Gió nói điều gì mà lá xôn xao
Con chim sáo đứng trên cành cao vợi
Hót líu lo một bài ca mới
Nở nụ mầm lộc biếc thanh thiên

Gió nói điều gì mà nắng thật hiền
Vàng óng ánh rơi lung linh trước ngõ
Môi anh nồng trên môi em mọng đỏ
Hương vị nào ngọt quá em ơi!

Gió rì rào, anh lại chơi vơi
Như đang có mùa xuân bước đến
Trong anh, trong em thắp hồng ngọn nến
Ngàn trào dâng sao nỡ đành quên!

Anh nguyện làm dòng kẻ lênh đênh
Em nốt nhạc mỹ miều lả lướt
Bản tình ca dịu êm mà mượt
Vang hôm nay xuân mới dạt dào

Nghe chăng em? Lời gió ngọt ngào
Đang bần bật qua miền khát vọng
Vạn ý xuân, một khúc đời mong ngóng
Lại trở về trong Xuân Ước hôm nay

20.11.2010






Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Ra Đi Tự Thuở Em Về


Ra đi tự thuở em về
Phía bên kia nắng ngô nghê tôi ngồi
Đếm đời trên bạc bẻo vôi
Trầu xanh cuốn vội, ly bôi nhạt nhòa
Sai mùa cau chệch nhành hoa
Dáng hài mảnh khảnh hiên nhà đá gan

Ra đi trước độ xuân tàn
Lời yêu nửa tiếng rơi vàng bến sông
Lần tìm dưới những cơn giông
Rác lều bều bẩn cánh đồng xanh xưa
Đất lầy vuốt mặt ngày mưa
Khoanh tròn khoảng lặng cho vừa tên nhau

Ra đi sót lại vết đau
Những tì chai cũ lên màu gỉ nâu
Cho dù gió cuốn về đâu
Trăng vằng vặc nhớ qua cầu ván buông
Gần nhau bóng đổ tròn suông
Vừa xa một thẻo giọt buồn ngang vai

Trâm anh biếng chải, lười cài
Cội nguồn phẳng lặng tình ai oán tìm
Máu hồng quay lại buồng tim
Nuôi từng ảo vọng thôi chìm khơi sâu
Từ đi tóc bạc phếu đầu
Em về đen mắt cơ cầu tôi mang...

04.04.2015







Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Có Một Cuộc Tình


Có một cuộc tình lưu giữ không quên
Qua năm tháng chẳng nhạt nhòa phai dấu
Là tình yêu tôi với người Xứ Nẫu
Bình Định quê hương - Bình Định thân thương

Có một cuộc tình rất đỗi đời thường
Cách trở xa xôi hai đầu thăm thẳm
Núi khuất, sông ngăn, gió đường bụi bặm
Vẫn trong ngần - Dòng suối nhỏ - Lương tâm

Có một cuộc tình như khoảng trời râm
Che chở cho nhau những ngày nắng hạ
Chắn gió, ngăn mưa xanh màu biếc lá
Đêm phương Nam - Vẫy gọi - Giấc mơ về

Có một cuộc tình quê quán đê mê
Chảy suốt dòng sông tuổi thơ yêu dấu
Băng qua tâm hồn người dân hiền hậu
Cánh đồng đời - Hoa nguồn cội - Nhân gian

Có một cuộc tình lửa đốt nồng nàn
Sưởi ấm con tim dưới lồng ngực nở
Hào khí thơm tho trong từng hơi thở
Nuôi lớn cuộc tình: Tôi - Quê.. Mênh mông

10.04.2011