Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Những Điều Đơn Giản


Có những lúc chạnh lòng nghĩ về những điều rất xa xôi. Một chiều nào đó, một đêm nào đó trái tim mình trào dâng những điều thật lạ. Nó không hẳn là những điều vu vơ, không hẳn là những điều thật sự kích động, nó là những điều rất đỗi đời thường.

Những điều đời thường nằm trong một hoàn cảnh xao động có thể làm tâm hồn cứng rắn nhất cũng phải tan chảy. Dòng suối nào được hình thành từ những con lạch bé nhỏ ấy? Mưa chăng? Gió chăng?... Không. Nó là niềm tin yêu và tự hào không bao giờ thất lạc. Cha!

Cha không những cho ta một phần hình hài, còn cho ta cuộc sống và một định hướng cần thiết làm hành trang bước vào đời. Dù cuộc sống có như thế nào, bóng dáng của người cha thân yêu cũng luôn bên cạnh mình, động viên mình trong những lúc khó khăn.

Đã gần ba mươi năm xa cách, không còn nhận được những lời an ủi của người. Dù giờ đây mình cũng đã trở thành một người già như những người già khác, mình vẫn thấy chưa thật sự đủ trưởng thành để tự tin, nhiều lúc như một người trẻ trông chờ một điều huyền diệu từ cha. Mặt trời vẫn thức khi con ngủ và làm sáng một vầng trăng khi đêm về.

Ở một nơi phương trời xa lắm, trong một đêm mưa thật buồn, một mình với chính mình. Nhớ về cha. Mặt trăng trên cao tan biến vào những đụn mây, hoang vu và lạnh lẽo, nhưng đâu đấy trong trái tim một ngọn lửa bùng lên làm ấm cả cõi lòng. Có phải một niềm tin yêu của cha đang đến cùng con.

Những người đàn ông thường ít nói về nhau, càng không muốn nói về chính mình. Cha cũng thế. Hiếm khi nào con nghe cha kể về mình. Cha đã hi sinh cho con nhiều thứ. Cuộc đời cha đã lam lũ, một nắng hai sương mong cho những điều không thể thành có thể, có thể thành hiện thực cho những đứa con của mình. Với cha, không có gì hạnh phúc bằng con mình hạnh phúc, không giàu có nào bằng giàu có những người con.

Làm con trên đời này ắt hẳn sẽ có những lần không phải, những lần nông nổi làm cho trái tim cha thắt đau. Nhưng tình cảm của con luôn dành hết cho cha như cha đã từng dành hết cho con mình.

Đã từ lâu con cũng đã là người cha. Cha của những đứa con bé dại. Con lại thấy một trách nhiệm rất lớn của người cầm lái, đang phải chống chèo đưa con thuyền nhỏ chở đầy báu vật băng qua dòng sông nhiều ghềnh thác. Sức lực là điều giới hạn còn bão giông luôn là siêu nhiên huyền bí. Dù khó khăn thế nào, vượt qua tất cả để chiến thắng phải là cái kết nằm gọn trong tay mình.

Niềm tin của những người cha luôn là vậy. Chắc hẳn phải là vậy. Đó là những điều có thực và rất thực. Nó không hề là điều lãng mạn chấp chứa trong những ngôn từ. Bởi một lẽ rất đơn giản mà ai cũng biết : Cha và con là cha con...

Sài Gòn, đêm 22.10.2015 









Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Lần Đầu Tiên Đi Học


Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp (*)

Đấy là kí ức của Thanh Tịnh về ngày đầu đi học. Thật đẹp đẽ và nên thơ mà hàng triệu học trò Việt Nam luôn ghi nhớ vào hành trang thiên lí của mình.

Ngày đầu tiên đi học của tôi lại là một câu chuyện khác. Nó vừa mềm mại đáng yêu, vừa ngổn ngang những trăn trở và khắc nghiệt.

Hồi đó chừng hơn bảy tuổi. Không như bây giờ các em đã vào lớp hai, lớp ba. Chúng đã biết nhiều thứ, kể cả lên mạng, chơi game, xài máy tính bảng rào rào như một công dân trưởng thành thực thụ… Tôi còn rất đỗi ngây thơ và bé bỏng như những bạn bè cùng trang lứa khác. Một phần vì là trẻ em ở vùng quê xa cách biệt, một phần vì chiến tranh giằng xé đã đánh cắp những điều mà đáng ra chúng tôi phải có.

Tôi đi học!

Gần nhà cậu có một ngôi trường nhỏ dạy cho mấy anh chị lớn. Một lần được cha đưa về thăm ngoại, tôi mon men ra trường chơi. Thấy các anh chị học hành vui vẻ làm tôi thích thú vô cùng. Tôi say mê đến nỗi bám luôn lên thành cửa sổ để xem mà không chịu về. Mãi tới gần trưa, cha không thấy tôi đâu, ông tất tả đi tìm. Không ngờ rằng thằng con trai yêu quý của mình đang cố bu trên mảng tường thủng lỗ chỗ, nhìn qua kẽ trống há mồm học ké.

Dắt con quay lại nhà ngoại. Trên đường đi tôi linh cảm, hình như trong ông đang có những suy nghĩ đôi co nào đó mà tuổi nhỏ như tôi không thể nào đoán được.

Hôm sau tôi một mực đòi cha cho đi học. Cha giảng giải mãi: Nào là con còn nhỏ, nào là đường quá xa và nơi làng mình chưa có lớp cho tuổi con… Nào là đủ thứ lí do khác nữa mà thực tình tôi cũng đã quên mất nhiều.


Tôi bất kể những điều cha nói, tôi chỉ biết là tôi thích học, tôi quyết đến trường. Với bộ đồ cũ có sẵn trên người, tôi vụt chạy như bay ra khỏi cổng mà không cần biết phải làm gì nơi mình sẽ đến. Cha thấy và chạy theo cố gắng níu chân tôi lại. Tôi vùng vằng thật dữ, cố tình thoát ra khỏi bàn tay cứng chắc của cha bằng đủ các kiểu cào cấu và la hét. Hôm đó tôi được ăn một trận đòn no nê và kinh hãi nhất trong cuộc đời mình vì tội bất tuân thượng lệnh. Có lẽ cha thấy không thể nào lay chuyển ý chí tôi được, ông dắt tôi vào nhà ngoại cho tắm rửa, chuẩn bị lại áo quần tươm tất, lau những giọt nước mắt đang chảy dài trên đôi gò má bẩn thỉu đầy bụi đất. Sau một hồi nài nỉ, ngon ngọt, vỗ về, cha đành phải dắt tôi đến trường.

Người thầy dạy hôm ấy là một người quen của cha. Cha xin thầy cho tôi ngồi ké lớp - thể như được dự nghe, được làm quen và được khỏi phải dáo da, dáo dác dòm ngó nơi xó xỉnh một mình. Có lẽ thầy đã thương tình và đặt cách cho trường hợp đặc biệt của tôi.

Sau ba tháng trôi qua đều đặn, dù không gặt hái được mấy chữ cho nên hồn, cha vẫn còn thấy ở tôi niềm say mê không thể nào tước bỏ. Ông bắt đầu tự tin tìm phương sách cho tôi toại nguyện.

Ngôi trường đầu tiên theo đúng nghĩa là một trường làng, mái lợp tranh tre, vách đất, cách nhà hơn bảy cây số. May mắn tôi có người cô, em ruột cha nhà gần đó. Thế là tôi được thỏa mộng đến trường.
Lần đầu tiên của tôi đi học đúng là vậy. Thật buồn và tê tái.

Những kỷ niệm của thời học trò không thể nào phai nhạt, dù tháng năm dài cứ trôi qua và mất đi như những chiếc lá trên dòng sông chảy xiết.

Người thầy khai trí cho tôi là một cô giáo già, nhiều nghiêm khắc và hai người con của cô phụ giúp. Những con chữ, những nét bút lung linh được hình thành từ ấy. Tâm hồn khờ dại, trống rỗng của tôi cũng bắt đầu phát lộ, nảy ra những mầm mơ xanh mướt.

Không phải như bây giờ, trường học ở đâu cũng có, cũng khang trang và nhiều đến từng thôn ấp xa xôi. Trường tôi học là một trường quê tư thục, dạy từ vỡ lòng (bắt đầu học chữ) đến hết lớp hai. Ba năm trôi qua, ba năm chăm chỉ học hành, ba năm tận tụy dạy dỗ của cô, tôi đã là một học trò ngoan, giỏi. Bạn bè tôi hay đùa rằng nhờ tôi to đầu, học trễ những hai mùa, chứ thật tình tôi dốt đặt chứ chẳng giỏi giang gì cho lắm. Tôi thì luôn ậm ừ, gật gật. Cũng có thể thế mà!

Cuộc đời đối với tôi là một chuỗi dài những thành công và đổ vỡ, những định hướng đúng và sai, những tội lỗi và ăn năn tiếp nối. Nhưng việc cả gan chống đối cả cha mình để được đi học có lẽ là cái quyết định đúng đắn nhất mà tôi từng có.

Ngày nay, mỗi lần đâu đó vang lên bài hát:

Ngày đầu tiên đi học
Mẹ dắt tay đến trường
Em vừa đi vừa khóc
Mẹ dỗ dành yêu thương (**) 

Tôi lại thấy trong lòng lân lân một cách kì lạ, như vừa bước ra từ tuổi thơ nóng hổi của mình.

Bây giờ, khi đã trưởng thành và đủ trí khôn, tôi không còn giận cha nữa. Tôi đã biết rõ lí do vì sao tôi không được học sớm, vì sao tôi bị đòn oan, và vì sao tôi biết ơn cha nhiều lần đến như vậy.

Năm nào cũng thế, cứ vào độ sắp đông, dù trên trời có còn những đám mây bàng bạc hay không, tiết trời có làm ra những buổi mai nhiều sương thu và gió lạnh hay không, tôi vẫn luôn nhớ những ngày đầu cắp sách của mình. Tôi vẫn luôn nhớ người cô giáo già đầy nhiệt huyết - người thầy chuẩn mực đầu tiên đã chăn dắt tôi nên người.

Mỗi hai mươi tháng mười một hàng năm, tôi thường quay về với khoảng trời riêng tôi thuở ấy, với một nỗi niềm thương yêu vô bờ bến. Nơi có người thầy đáng kính, có ngôi trường mái lá đơn sơ và những khởi đầu đẹp đẽ nhưng cũng vô vàn gian khó kèm theo.

Mặt trời đỏ au khi đã ngã về chiều
Nắng cố vàng hơn cuối cùng ngày sắp tắt
Con hướng về nơi khởi đầu, ngửa mặt
Cám ơn Người chắp cánh thuở bay xa

Tháng 11, ngày 20 tâm kính một nhành hoa… Cho những tháng ngày không thể nào mai một.

Sài Gòn, ngày 05.11.2015

(*): Truyện ngắn Tôi Đi Học - Thanh Tịnh
(**): Lời bài hát Ngày Đầu Tiên Đi Học - Nguyễn Ngọc Thiện





Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Mùa Của Riêng Mình


Mãi miết bước đi trên con đường đời dài dằng dặc. Băng qua bao núi đồi, sông sâu, qua gai nhọn, đá mềm, qua những cánh đồng mướt mát, những miền biển xanh trong đầy nắng và gió... Một ngày nào đó ta cũng đến và dừng bước tại nơi vườn yêu. 

Vườn yêu của mỗi người mỗi khác. Có khi là bồng bềnh, ngọt lịm. Có khi là khô cằn, úa lá. Có khi trù mật và cũng có khi nghèo nàn, hoang sơ. Người ta luôn phải chấp nhận những gì mình có ở đó dù muốn hay không. 

Ngày lại qua ngày, mùa nối mùa, năm nối năm. Thời gian trôi đi biền biệt. Đứng tại nơi mình đang đứng nhìn về phía xa xăm không thể nào quên, bất chợt ta bắt gặp những thân thương tràn về. 

Thấp thoáng nơi ấy có chiếc lá vàng dở dang, có bậu cửa xám rêu, có những khuôn mặt của ngày nào phảng phất. Ở đó có những chiều lam, những bóng mờ sương khói, những hồn nhiên và cả dại khờ... Có hẹn hò, khát khao, cháy bỏng, bâng khuâng... 

Nơi ấy có những người thân, người bạn, những dòng sông mênh mông tắm gội cả một thời thanh xuân đậm đặc chất thơ, những cánh cò và con diều vút bay. Không đâu đẹp bằng tuổi trẻ của mỗi người. 

Một chuyến quay về nơi vườn yêu tuổi xưa như quay về mùa thương của chính riêng mình. Chắc hẳn mỗi ta sẽ nhặt nhạnh được nhiều kỷ vật vô giá của một thời đã mất. 

Mùa của tôi chỉ như một ngổn ngang của thu sau mưa, những rộn ràng của hạ vàng nhạt nắng, với tóc bím thôi bay, với dùng dằng nơi cuối ngõ, có nón lá nghiêng che và bao điều thầm nhớ.